Sử dụng và quản lý sau đó Bưu điện Hà Nội

Nguyên văn bảng ghi công vai trò của Bưu điện trong Chiến tranh Đông Dương với nội dung; "Ngày 20 tháng 12 năm 1946. Tại đây các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp".[38]

Bưu điện Hà Nội từng là một "địa chỉ đỏ" của Thủ đô những năm chiến tranh.[39] Trong sự kiện toàn quốc kháng chiến năm 1946, nơi đây là địa điểm diễn ra nhiều trận đánh quan trọng giữa bộ đội và tự vệ Hà Nội với lính Pháp. Một phần công trình đã bị đánh sập sau trận đánh vào ngày 20 tháng 12 và các trang thiết bị lớn khác bị phá hủy trong khi số còn lại thì được chuyển vào vùng chiến đấu.[1][40][41] Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm bưu điện vào ngày 17 tháng 1 năm 1946; và ngày này những năm sau đó đều được tổ chức lễ kỷ niệm bởi nhân viên bưu điện.[42][43][44] Đây cũng là nơi phát đi tín hiệu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh.[15] Thời điểm Pháp bàn giao công trình cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau hiệp định Genève 1954, cơ sở vật chất của bưu điện chỉ còn lại một tổng đài điện thoại 1500 số và gần 600 thuê bao, một số vật dụng ở tình trạng hỏng hóc và số khác bị người Pháp đem đi dù có cam kết giữ nguyên hiện trạng ban đầu.[3][4] Công trình sau đó đã được chính quyền tiếp quản tái thiết lại và đổi tên thành Sở Bưu điện và Vô tuyến điện Hà Nội.[1][40][45] Ngày 11 tháng 10 năm 1954, phòng giao dịch của bưu điện chính thức mở cửa.[45] Cũng trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam, nóc của các tòa bưu điện đã được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không để chiến đấu trên bầu trời Hà Nội.[1][38]

Công trình kho xưởng tại số 61 Trần Phú sau năm 1954 đã được chính quyền Hà Nội giao cho Tổng cục Bưu điện (sau này là Công ty cổ phần thiết bị Bưu điện thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) trước khi bị phá dỡ vào năm 2022 để xây dựng một khu trung tâm thương mại 11 tầng, tạo ra nhiều ý kiến trái chiều vì ý nghĩa lịch sử của nó.[22][23] Vào cuối năm 2007, Bưu điện thành phố Hà Nội cũ đã được chia tách riêng ra bưu chính và viễn thông để thành lập hai đơn vị mới Bưu điện thành phố Hà Nội (VNPost) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội). Trong đó, VNPT được bàn giao tòa nhà ở phố Đinh Tiên Hoàng còn VNPost là tòa nhà giáp phố Lê Thạch (Bưu điện trong nước) và giáp phố Đinh Lễ (Bưu điện quốc tế).[18][27][46] Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ Khách hàng (phòng giao dịch) của bưu điện thành phố vẫn được đặt tại tầng một của tòa nhà phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay.[47]

Tranh cãi

Biển chữ cũ với tên "Bưu điện Hà Nội" trước khi bị thay bằng "VNPT Hà Nội".

Tòa nhà bưu điện trung tâm mới của Bưu điện Hà Nội từng là chủ đề của các cuộc tranh cãi vì tính thẩm mỹ của nó. Cùng với trụ sở mới của Ủy ban nhân dân Hà Nội được xây lại trên nền tòa Đốc lý, công trình ngay từ khi được xây dựng được mô tả là đã khiến người dân "đau lòng". Tòa nhà cũng bị so sánh khi giống với cái lô cốt "khổng lồ thô kệch đã rơi xuống hồ Gươm xinh xắn"[24] và được cho là đem lại cảm giác nặng nề, cứng,[18] đến mức thậm chí nhiều người đã ví von tòa nhà này khi "nhìn xa trông như máy chém!". Cả hai tòa nhà này cùng với Tòa nhà Hàm Cá Mập sau đó cũng đã được đưa vào danh sách "Xem xét lại các công trình kiến trúc mới xây dựng, có ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, bố cục không gian" trong Quyết định số 448 BXD/KTQH do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ngô Xuân Lộc ký ngày 3 tháng 8 năm 1996 về phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận.[24] Tuy nhiên, trả lời với báo Thể thao & Văn hóa, ông Nguyễn Ngọc Tiến lại cho rằng công trình là một sự tiếp nối "phản ánh rất rõ dòng chảy của lịch sử Hà Nội, từ thời Pháp thuộc, qua 2 cuộc chiến tranh, sang thời bao cấp rồi tới ngày nay".[1]

Tháng 10 năm 2015, biển chữ cũ trên biển nóc tòa nhà đã được thay lại bằng "VNPT Hà Nội", thu hút sự quan tâm từ các chuyên gia lịch sử, cơ quan văn hóa và người dân trong thành phố.[1][39] Lý do cho việc thay biển này là vì khi đó biển chữ cũ đã bị hỏng và có nguy cơ mất an toàn, không thể sửa chữa được nên đơn vị quyết định thay lại biển và gắn chữ mới theo đúng quy định.[27] Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó vào tháng 1 năm 2016 đã gửi văn bản yêu cầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đổi lại dòng chữ cũ trên tòa bưu điện như trước đây, nhưng vẫn không có thay đổi sau đó.[27][38][48] Cho đến cuối tháng 8 năm 2018, báo điện tử Tổ quốc đã đăng bài phản ánh đầu tiên về việc này với tiêu đề "Bưu điện Hà Nội: Cột mốc số 0 trong lòng người Thủ đô đã bị "khai tử""[28] và loạt bài báo liên quan,[lower-alpha 1] khiến nhiều tờ báo khác tham gia vào cuộc. Nhờ hành động trên cùng những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận,[49] Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã gửi kiến nghị lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để cho ý kiến và ông Ngô Văn Quý, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, đã ký văn bản ủng hộ việc phục dựng lại biển tòa nhà về như cũ và giao VNPT Hà Nội thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Văn hóa Thể thao thành phố.[38] Ông Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, sau đó cũng tiếp tục đề nghị VNPT trả lại biển tên cũ ban đầu.[48][50][51] Dù vậy, biển chữ này vẫn được giữ nguyên từ đó đến nay.

Sự cố

Vào tối ngày mùng 1 Tết 26 tháng 1 năm 2009, một phần cáp viễn thông của Bưu điện Hà Nội đã bị cháy trong phạm vi rộng khoảng vài mét do đèn trời người dân thả ở gần khu vực rơi vào. Tuy không có thiệt hại về người nhưng vụ cháy đã làm ảnh hưởng đáng kể tới các dịch vụ viễn thông như Internet và liên lạc thông tin.[52] Cũng trong khoảng 6 giờ sáng ngày 14 tháng 5 năm 2015, tầng hai của tòa bưu điện trên phố Lê Thạch đã bị cháy do chập điện từ máy tính để trên bàn làm việc và sau đó lửa lan ra thông qua các giấy tờ khác; đám cháy đã sớm được dập tắt vào cùng ngày. Tổn thất được ước tính từ vụ hỏa hoạn chỉ khoảng vài triệu đồng nhưng toàn bộ căn phòng bị cháy ám khói đen và các tài liệu bị hư hỏng.[53][54]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bưu điện Hà Nội http://wikimapia.org/#y=6133258&x=%7B%7B%7B2%7D%7D... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://hanoimoi.com.vn/ban-in/1000_nam_thang_long/... http://hanoimoi.com.vn/ban-in/1000_nam_thang_long/... http://www.hanoimoi.com.vn/print/Doi-song/881418/n... http://vicco.com.vn/tin-tuc-tieu-bieu/kien-truc-ph... http://luutruquocgia1.org.vn/danh-muc-trien-lam/20... http://luutruquocgia1.org.vn/wp-content/uploads/20... https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/1198292... https://books.google.com/books?id=Zb1IAQAAIAAJ